THẦN TƯỢNG VÀ CHÂN LÝ

Thần Tượng và Chân Lý

 

 

Một điểm chung dễ thấy nơi ai khởi sự đi tìm ý nghĩa cuộc đời là họ có lòng nhiệt thành, sùng mộ, tin tưởng mạnh mẽ. Thái độ này làm người ta đi mau mà cũng dễ té, đi mau vì hăng hái không ngại khó khăn, dễ té vì thiếu phân biện với mình cũng như với người, không thấy được trở ngại do chính mình hay người đặt ra. Ai hăng hái thấy mục tiêu và dốc lòng đi tới, thì cũng thường có thành kiến và khi gặp chủ trương giống như định kiến của mình thì họ tán đồng ngay, chấp nhận, tôn nhân vật mà họ cảm phục làm thần tượng không thắc mắc. Họ khao khát chân lý nên sẵn lòng tuân phục người nào mà họ cho là nắm được chân lý, nhưng thường thường họ bị hấp dẫn bởi người có cái tôi lớn, muốn có đệ tử, hơn là người thực sự giác ngộ nên tới lúc nào đó khuyết điểm của người được tôn là thầy lộ ra, thì ai tôn sùng họ bị khủng hoảng, thần tượng trong lòng bị sụp đổ. Cũng có khi thần tượng sụp đổ không vì khuyết điểm cá nhân mà vì chủ trương thay đổi, như Krishnamurti hồi năm 1929 rời Hội Theosophy theo đuổi con đường khác, đã làm bao người cảm thấy rối loạn hoang mang, mất niềm tin.

Cơn khủng hoảng này ai cũng trải qua, vì lẽ giản dị là ai ban đầu cũng chưa có đủ kinh nghiệm và óc phân biện để xác định nhân vật nào là bậc thầy chân chính, và cũng chưa biết rõ về mình. Về điểm này sách ghi rằng vị thầy chân chính không hề đòi hỏi đệ tử tôn xưng họ, đức Phật nói rằng ai rồi cũng sẽ thành Phật, đức Chúa dạy là chúng ta sẽ làm được nhiều phép lạ hơn ngài. Vì vậy khi tôn sùng là bậc thầy một ai chưa xứng đáng là ta tạo sẵn thất vọng cho mình. Vị thầy chỉ là một hình thức mà lòng tôn sùng dựa vào đó để thỏa mãn, biểu lộ, hình thức khác là đặt niềm tin vào một thẩm quyền  thay vì là nhân vật, thì hành động này cũng có thể làm ta bị thất vọng.

Cái Ngã và Chân Ngã

Thất vọng có là vì ta dùng tiêu chuẩn của cái ngã đối đãi, ta nhận xét và thẩm định người hay việc bằng quan niệm của cái ngã, chân lý tìm ra vì vậy chỉ nằm giới hạn trong vòng sinh hoạt của cái tôi là ba cõi, không thỏa mãn được đòi hỏi của tâm linh nên làm ta thất vọng. Con người chưa phân biệt được cái thấp với cái cao, tưởng rằng cái thấp là cái cao, không thấy được thiếu sót của nhân vật được tôn sùng nên khủng hoảng bắt buộc phải xảy tới.

Khi một ai chưa thăng hoa được phần thấp của mình, thì tầm nhìn giới hạn này là chướng ngại khiến họ bị vấp té khi muốn tiến xa hơn. Dù vậy thất vọng và khủng hoảng có thể là điều lợi, nó dạy ta phát triển óc phân biện, và có lòng nhân nhiều hơn đối với khuyết điểm của người. Ai biết suy gẫm còn có thể thấy chính mình nơi kẻ khác để học từ giới hạn, thiếu sót của họ. Các giới hạn này có thể là về vật chất, tình cảm hay trí tuệ, một người có thể bái phục vị thầy về mặt trí tuệ nhưng thất vọng về mặt tình cảm, và ai vững vàng sẽ chọn lựa điều để học về trí tuệ nổi bật của nhân vật này, mà làm ngơ khuyết điểm  tình cảm vì nói cho cùng, đó là đời riêng  của người khác không can dự đến ai ngoài đương sự.

Nói tiếp về thất vọng thì nó không phải chỉ cho ta biết về nhân vật được sùng mộ, mà còn nói lên nhiều điều về chính người tôn sùng, thí dụ như họ còn trụ vào cái ngã thay vì chân ngã. Cái ngã có nhu cầu đi tìm thầy, tìm chân lý bên ngoài trong khi vị thầy đích thực và chân lý đúng nghĩa nằm bên trong. Khi nhận ra tiêu chuẩn của chân ngã và đi theo thì không sợ có thất vọng, vì giá trị đúng đắn được nêu rõ ngay từ đầu. Thất vọng còn muốn nói con người không làm việc nơi cõi  tinh thần, mà trụ ở cõi tình cảm là môi trường nhiều ảo ảnh huyễn mộng, cách suy nghĩ bị những điều này chi phối.

Óc Phân Biện

Khi thần tượng sụp đổ thì có phải những điều học được nơi họ không còn đáng giá nữa chăng ? Ta phân biệt là ai ai cũng đang trên đường học hỏi và có thành đạt lẫn thất bại dù ít dù nhiều, vì vậy thành đạt tức ý thức được chân lý dù chưa toàn hảo cũng đáng được quí chuộng, có giá trị ngay cả khi những phần khác của con người không đạt tiêu chuẩn của bậc thày. Như vậy thần tượng có thể sụp đổ nhưng chân lý mà họ nắm bắt được và trưng ra, thì vẫn chói ngời không bị hoen ố vì bất toàn của cái tôi.

Óc phân biện còn nằm ở việc tách rời giữa hành động một người và cá nhân người ấy, nói khác đi nhìn ra được giới hạn và mức phát triển của một người để hiểu động cơ thúc đẩy họ hành động. Thấy được như vậy thì khi một nhân vật bị vấp té vì thiếu sót nào đó, ta không đồng hóa thiếu sót này với những gì tốt đẹp mà nhân vật đã cống hiến để phủ nhận tất cả, mà nếu chỉ dạy của nhân vật mang lại cho ta ánh sáng, con đường thì đó càng là lý do để tỏ lòng biết ơn.

Cõi Tình Cảm

Lòng thất vọng khi thần tượng sụp đổ có liên hệ nhiều đến tình cảm và cõi tình cảm. Một trong những điều mà người muốn theo con đường tâm linh cần phải làm, là học để hiểu cõi tình cảm, thấu đáo bản chất của nó và biết cách thoát khỏi sự chi phối của cõi này khi làm việc ở đó. Cái nhắm tới là sau khi đắm chìm ở nơi đây một thời gian dài, con người cuối cùng đứng vững chãi, tách rời, tự do không bị tình cảm ảnh hưởng. Cõi tình cảm là cõi hỗn độn, mờ mịt như sương mù, và là nơi tụ họp của nhiều lực. Bởi tình cảm của người cũng vô trật tự không kém, người ta hòa tình cảm của mình vào khối tình cảm chung tới mức thoạt đầu, họ gần như không thể tách rời được tình cảm của mình với tình cảm của đa số tức dư luận, và tình cảm của thế giới. Nó muốn nói con người bị lôi cuốn theo cảm xúc chung thay vì có cảm xúc theo suy nghĩ của riêng mình, và ít khi dừng lại đặt câu hỏi rằng dư luận đúng hay sai.

Thế thì một trong những chuyện mà người muốn theo đường tinh thần phải làm, là tách biệt tình cảm của mình với tình cảm chung quanh, và đây là cố gắng cần nhiều thời gian. Cũng vì sự cần thiết phải tách biệt này mà một trong những đòi hỏi đầu tiên của con đường tinh thần là óc phân biện, dùng lý trí để phân tích và tách biệt hầu kiểm soát được thể tình cảm của mình. Kế tiếp, cõi tình cảm là cõi đầy huyễn tưởng, trưng ra một thực tại sai lạc. Lý do là ai trong thế giới cũng đang bận rộn làm việc với vật chất cõi tình cảm qua lòng ước ao, ham muốn. Những ước ao của cá nhân, quốc gia, trọn nhân loại như là một khối, và ham muốn theo bản năng của các loài khác thấp hơn người sinh ra hình tư tưởng bằng vật chất cõi tình cảm, tạo nên sự thay đổi, chuyển biến không ngừng của vật chất ở cõi này.

Cộng thêm vào những hình đang tạo là những hình đã có từ xưa, tức Thiên Ảnh ký (Akashic Records) ghi lại lịch sử tình cảm của nhân loại từ ban đầu tới giờ, sinh hoạt của người vừa qua đời hay sắp tái sinh, và tình cảm thanh bai, khôn ngoan của bậc tiến hóa. Tất cả những vật này tác động vào mỗi người, bao quanh họ, xuyên qua họ và phản ứng của họ sẽ tùy thuộc vào tình trạng thể chất và sự linh hoạt của các luân xa. Trong cõi hỗn độn ấy con người lần mò tìm đường, học cách phân biệt chân lý với ảo ảnh, cái vĩnh cửu với cái phù du, chuyện chắc chắn với chuyện không thật. Áp dụng hiểu biết này vào chuyện ta đang bàn, thì cảm xúc khi thần tượng sụp đổ cũng chịu ảnh hưởng của dư luận tức khối tình cảm chung, có tính cách nông nổi hơn là sáng suốt, và nhiều phần dựa trên cái ngã hơn là tiêu chuẩn tinh thần, cho nên có nhu cầu là suy gẫm để xem cảm xúc ấy chính đáng hay không.

Thí dụ là khi người thuộc một nhóm không còn thấy thích hợp với chủ trương của nhóm nữa và tách ra, thì nhóm cảm thấy bị đe dọa và lên án sự chia tay này. Phản ứng này cũng cho thấy đó là hành động theo cái ngã hơn là theo quan điểm tinh thần, trước tiên nó không chấp nhận có khác biệt tư tưởng, không thấy rằng chân lý đa dạng lẫn việc có nhiều chân lý nối tiếp nhau, từ mức độ thấp đến mức độ cao. Một chân lý dù hay, đúng ra sao thì cũng không phải là bất biến hay tận cùng, mà thường khi là viên gạch lót đường cho chân lý khác hay và đúng hơn. Tới lúc vai trò lót đường đã xong, nhân loại hay cá nhân đủ sức tiếp nhận chân lý mới, hay có ai mang lại chân lý mới, thì con người cần có óc phân biện đủ để hiểu được diễn biến và hoan nghênh chân lý mới, thay vì chống đối cả tư tưởng mới lẫn sứ giả mang lại tư tưởng ấy.

Muốn tăng trưởng tâm linh, chúng ta cần biết đến chân lý mới thích hợp hơn với trình độ của con người, để mở rộng tư tưởng. Phần tinh thần bị giam hãm trong quan niệm lỗi thời sẽ bị chết vì thiếu thức ăn nuôi dưỡng, khi ấy con người không còn là một đơn vị biết suy nghĩ, mà chỉ là cái vỏ tự động lập lại chân lý quen thuộc đã khô cứng, kết tinh không còn sinh khí hay có ý nghĩa gì trong đời. Chân lý cũng như tinh thần cần phải được tự do mới sống động và có ý nghĩa, còn khi giam hãm vào một cái vỏ thành giáo điều thì ta chỉ còn hình thức và mất đi sức sống.

Tính cách giai đoạn và tương đối của chân lý hay sự giác ngộ được nói tới từ lâu, qua những câu như “Bỏ thuyền mà đi", hay “Ngón tay chỉ mặt trăng". Ta dùng thuyền qua sông, nhưng khi qua tới bờ bên kia thì thuyền không còn vai trò hữu ích nữa, mà muốn tiếp tục con đường trên bộ thì phải bỏ thuyền mà đi; hay ta nương theo ngón tay để thấy được mặt trăng, và khi thấy được trăng rồi thì không nên lẫn lộn ngón tay là mặt trăng. Quá tin vào ngón tay hay vào thuyền làm ta trụ vào phương tiện mà không thấy cái đích thật sự.

Tinh Thần Mới của Nhóm

Nói riêng về mối liên hệ giữa nhóm viên và người đứng đầu nhóm, sự việc ngoài tính cách cá nhân còn bị ảnh hưởng của thời đại, tức lúc chuyển tiếp giữa chu kỳ Song Ngư (Pisces) mới xong và chu kỳ Bảo Bình (Aquarius) vừa tới. Tính chất của mỗi chu kỳ này khác nhau, và chúng có thể gây ra khó khăn cho nhóm trong việc đáp ứng với sự thay đổi của thời đại. Thí dụ tính chất của Song Ngư là sùng tín, thì sai lầm lớn của nhóm trong thời đại hiện nay khi tính chất Song Ngư còn mạnh, là họ không biết tách rời như cây con lớn xa cây mẹ, mà luôn luôn ràng buộc vào người đứng đầu nhóm, và khi bất mãn thì cắt đứt mối liên hệ một cách dữ dội, gây ra nhiều phiền não và đau lòng không cần thiết cho người trong nhóm. Chuyện nặng phần tình cảm, cá nhân hơn là hiểu biết tinh thần. Vào lúc này không thiếu gì những trường hợp bị vỡ mộng như thế, và sách vở của những cựu nhóm viên biểu lộ sự cay đắng, chỉ càng muốn nói đó không phải là phản ứng tinh thần.

Mặt khác nếu nhóm hoạt động lâu dài, thì có vấn để là sợi dây nối liền giữa người đứng đầu nhóm và nhóm viên không được cắt đứt sớm, để nhóm viên có thể hoạt động độc lập, một phần vì lòng sùng tín của nhóm viên đối với thần tượng, một phần vì chính người đứng đầu nhóm muốn được tôn sùng, có tham vọng không muốn buông bỏ quyền lực có đối với nhóm viên, muốn họ tiếp tục lệ thuộc tình cảm vào mình. Kết quả là một số thành viên luôn luôn dựa vào nhóm mà không phát triển tinh thần độc lập, để tự mình đứng vững và có hướng đi riêng. Hậu quả là khi mất người đứng đầu nhóm vì họ qua đời hay lý do gì khác thì nhóm tan rã, vì cá nhân ấy hay tụ điểm của lòng sùng tín mất đi thì không còn gì kết hợp các nhóm viên để làm việc chung, và công việc của nhóm không được tiếp tục, mục tiêu của nhóm không đạt tới. 

Người lãnh đạo nhóm khi có cái ngã mạnh hơn phần tâm linh cao thượng, và có khả năng thực hiện được việc tốt đẹp lại có thể làm hư chuyện, bởi họ thu hút vào chung quanh mình chỉ những ai có cá tính yếu mà họ có thể chế ngự và khống trị. Nhóm như thế có tính chia rẽ, vì thành viên có lý tưởng và quan niệm là lý tưởng và quan niệm của người lãnh đạo nhóm mang tính cách cá nhân, hơn là chân lý đại đồng.

Ngược lại trong nhóm có tính chất của chu kỳ mới, lòng trung thành vào chủ trương hay chân lý sẽ được nhấn mạnh thay vì trung thành với cá nhân người đứng đầu nhóm, sợi dây rốn ấy sẽ được cắt đứt sớm sủa khi nhóm đủ sức làm vậy, nhưng người đứng đầu nhóm vẫn còn đó để cho ra hướng dẫn gợi hứng, sức bảo vệ  và chỉ dạy. Khi làm được vậy thì nhóm sẽ tự hoạt động theo đường lối vạch sẵn, ngay cả khi người đứng đầu nhóm qua đời, hay có thay đổi người lãnh đạo vì lý do này hay kia. Nhóm Bảo Bình được nối kết với nhau vì ý hướng chung, hơn là vì sợi dây tình cảm mà tiếp xúc ngoài mặt mang lại.

Phần kết luận nhắc lại một luật bất biến là luật chu kỳ, luật áp dụng cho thực thể vĩ đại như thái dương hệ và cũng áp dụng cho cá nhân, theo đó mọi cái ngã đều có lúc thịnh lúc suy theo luật. Khi ai ở vị trí nổi bật bước vào giai đoạn suy đồi, thì điều này có khi gây ra bàng hoàng e sợ cho người nào bị cái ngã của họ lôi cuốn, đi theo cá tính mạnh mẽ của nhân vật thay vì theo Thượng đế trong tâm mình.

Bài học ở đây có nhiều mặt:

1. Một là sự phân biệt giữa cái ngã và Thượng đế nội tâm, hay giữa thần tượng và chân lý. Thần tượng là hình thức do tình cảm tạo nên để thỏa mãn nhu cầu sùng mộ, mà không phải là chân lý cho ta theo đuổi. Nhu cầu này không còn khi có hiểu biết rộng về người, về mình, về những chặng đường mà tâm thức phải đi qua.

2. Hai là phân biệt giữa con người và hành động của họ, do mức tiến hóa mà mỗi người có giới hạn riêng, và hành động của họ có khi biểu lộ giới hạn ấy nhiều hơn là biểu lộ con người thật. Phân biệt này cho phép ghi nhận thành quả của một người bất kể giới hạn tức khuyết điểm của người ấy, tức khi một ai vấp té thì không phải tất cả sách vở, tư tưởng của họ đáng bị phủ nhận.

3. Ba là phân biệt giữa chân lý bất diệt và phương tiện dẫn đến chân lý, để tránh câu chấp vào phương tiện làm cho không thấy được chân lý.

 

THÔNG XANH
Sách tham khảo:
A Treatise on White Magic, by A. A. Bailey 

Geese